3.1 Ý nghĩa của phép đo điện trở một chiều đối với các máy biến áp:
- Nhằm phát hiện những khuyết tật trong quá trình đấu nối khi chế tạo các cuộn dây, ngăn chặn hiện tượng phát nóng khi mang tải ở các đầu nối.
- Đối với các MBA có bộ chuyển nấc không tải, phép đo điện trở một chiều có thể phát hiện tình trạng bất thường của các bộ tiếp điểm của chuyển nấc (lực ép tiếp điểm không đảm bảo, tình trạng bề mặt của các tiếp điểm bị rỗ, mòn v.v)
- Đối với các MBA có bộ điều áp dưới tải, qua phép đo điện trở một chiều có thể giúp ta biết được tình trạng của các bộ tiếp điểm dập hồ quang bên trong bộ công tắc K để có biện pháp bảo dưỡng hoặc thay thế đúng lúc.
- Phát hiện sự đấu nối sai các nấc phân áp bên trong MBA.
3.2 Các phương pháp đo điện trở một chiều
- Đo bằng các cầu đo chuyên dùng.
- Đo bằng phương pháp Vôn -Ampe.
Các thiết bị khi đo bằng phương pháp Vôn – Ampe: Nguồn một chiều (thường là accu 12V, 100Ah). Biến trở 20Ω, 30A. Aptomat 220V,100ADC. Nút ấn chuyển mạch áp. Các đồng hồ VDC, mVDC, ADC có giới hạn thang đo phù hợp sao cho giá trị đo nằm trong khoảng 2/3 thang đo, cấp chính xác 0,5.
3.3 Những yêu cầu khi thực hiện phép đo
Nhằm tránh hiện tượng phát nóng có thể làm ảnh hưởng đến sự thay đổi của điện trở cuộn dây, dòng đo không được vượt quá 10% giá trị dòng định mức. Khi thời gian tiến hành phép đo không lớn hơn 1 phút có thể cho phép đo ở dòng đo đến 20% dòng định mức cuộn dây.
Làm sạch các đầu cực của cuộn dây trước khi đo nhất là khi đo các cuộn dây có điện trở bé.
Chú ý: Khi cắt mạch điện một chiều qua cuộn dây máy biến áp (có điện cảm rất lớn) sẽ xuất hiện một điện áp cảm ứng có trị số rất lớn trên các đầu cực cuộn dây. Vì vậy trong suốt quá trình đo cần có các biện pháp an toàn, cấm chạm vào các đầu cực trong suốt quá trình đo, có biện pháp chống sút dây đo.
3.4 Các lưu ý về sai số trong quá trình đo
Kết quả phép đo phụ thuộc rất nhiều vào việc đấu nối sơ đồ đo, dây đo và điểm nối dây đo vào đối tượng đo. Có một số hiện tượng đặc trưng cho việc nối dây đo không đúng như sau:
Kết quả khi đo không ổn định. Nguyên nhân: do mạch bơm dòng không tiếp xúc tốt; năng lực nguồn bơm dòng không ổn định; dây bơm dòng bị đứt ngầm, tiết diện nhỏ.
Kết quả đo sai khác rất nhiều so với các số liệu thí nghiệm trước và không ổn định giữa các lần đo. Nguyên nhân: do dây đo áp đấu không đúng điểm cần đo điện áp rơi trên đối tượng đo, hoặc dây đo áp tiếp xúc không tốt với đầu cực đo, mối tiếp xúc đo áp dùng cả cho việc bơm dòng.
Nhiệt độ cuộn dây thay đổi đáng kể khi thời gian đo điện trở các các cuộn dây kéo dài (do điện trở thay đổi)
3.5 Các lưu ý về an toàn trong quá trình đo
Đấu nối chắc chắn các dây đo giữa thiết bị đo với đối tượng đo, không để xảy ra việc đứt mạch dòng trong khi đo bằng sơ đồ 4 dây hoặc theo phương pháp V-A vì điều này có thể gây nguy hiểm cho người đo và gây hỏng thiết bị đo.
Không trực tiếp tiếp xúc với các cuộn dây còn lại của MBA (TU,TI v.v) vì có nguy cơ xuất hiện các điện áp cảm ứng khá lớn trong quá trình đo.
Cách ly tất cả các mạch (nhất, nhị thứ) liên quan ra khỏi các đầu cực của các cuộn dây MBA (TU, TI v.v) để tránh gây hư hỏng các thiết bị đấu nối nằm trong các mạch này.
Khi dùng nguồn ắc qui ngoài để đo bằng phương pháp V-A cần phải sử dụng một áp tô mát (ATM) trong thao tác đóng cắt nguồn đo. Để đảm bảo cắt tốt hồ quang một chiều xuất hiện sau khi cắt nguồn cấp dòng đo, ta nên chọn ATM có dòng danh định tối thiểu gấp 5 lần dòng đo.
Biến trở dùng để điều chỉnh dòng đo cần phải đảm bảo tiếp xúc tốt nhằm tránh xảy ra tình trạng gián đoạn dòng đo trong quá trình điều chỉnh.
Đảm bảo thực hiện đúng theo trình tự yêu cầu của mạch dòng điện và mạch điện áp.
Khi tiến hành đo tại khu vực đang mang điện, cần nối tắt tất cả các đầu cực của các cuộn dây với nhau và với đất trước đi đo
3.6 Đo điện trở một chiều bằng phương pháp vôn-ampe
Khi tiến hành đo điện trở một chiều cuộn dây bằng phương pháp Vôn – Ampe, cần tiến hành theo trình tự sau:
Đóng nguồn một chiều, dùng biến trở điều chỉnh cho dòng điện đo phù hợp với yêu cầu. Chờ cho dòng đo ổn định.
Nhấn nút ấn đo áp, trong cùng một thời điểm, đọc trị số dòng điện và điện áp, ghi kết quả đo.
Nhả nút ấn đo áp trước khi cắt nguồn một chiều (hoặc khi thay đổi nấc phân áp của bộ điều áp dưới tải)
Tính toán kết quả đo, đối chiếu, so sánh với các tiêu chuẩn, qui định.
Hình 3-1: Sơ đồ đo điện trở một chiều bằng phương pháp vôn-ampe
3.7 Đo điện trở một chiều bằng thiết bị đo chuyên dụng
Các thiết bị đo điện trở một chiều chuyên dụng thường có 4 cực để nối dây đo là:
- 2 cực dòng: bơm dòng một chiều vào đối tượng đo.
- 2 cực áp: lấy điện áp rơi trên đầu cực đối tượng đo.
Để thực hiện phép đo, cần tuân theo các chỉ dẫn của nhà chế tạo.
Các lưu ý về sai số và biện pháp an toàn nêu trên vẫn áp dụng đúng trong trường hợp đo bằng thiết bị đo chuyên dụng.
3.8 Tiêu chuẩn áp dụng
Giá trị điện trở một chiều cần được so sánh giữa các pha với nhau, so sánh với số liệu xuất xưởng của nhà chế tạo, so sánh với số liệu đo của lần thí nghiệm trước:
Giá trị điện trở một chiều tại các nấc phân áp tương ứng giữa các pha với nhau không được sai lệch quá 2% và không được quá độ lệch một nấc phân áp (nếu không có các lý do đặc biệt được ghi rõ trong lý lịch máy).
Giá trị điện trở một chiều sau khi qui đổi về cùng nhiệt độ không được sai lệch quá 5% so với giá trị xuất xưởng của nhà chế tạo hoặc số liệu của lần thí nghiệm trước.